Bạo lực và quấy rối dựa trên giới tính (GBVH) tại nơi làm việc là một vấn đề liên quan đến toàn xã hội, gây ra những tác động tiêu cực đến an toàn và sự đảm bảo kinh tế của người lao động, cũng như ảnh hưởng đến sự bình đẳng và tiến bộ văn hóa. Tiếng nói và trải nghiệm của người lao động phải được đặt làm trọng tâm của mọi giải pháp nhằm giải quyết và ngăn chặn bạo lực và quấy rối dựa trên giới tính (Gender-based violence and harassment, GBVH), bởi chính họ là những người hiểu rõ nhất về văn hóa và những thách thức trong ngành nghề và nơi làm việc của mình. Các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất là những biện pháp được dẫn dắt bởi người lao động – những người chịu tác động quá lớn bởi GBVH, bao gồm lao động nữ, với sự phối hợp của các công đoàn, chủ lao động và đại diện của chính phủ. Các công đoàn có thể và phải đảm nhiệm vai trò chủ chốt trong việc chấm dứt GBVH: Các công đoàn tạo không gian để người lao động có thể cùng nhau chia sẻ và giải quyết các lo ngại, thúc đẩy tiến độ trong việc thay đổi văn hóa vốn đang duy trì GBVH.
Sau đây là bốn chiến lược lấy người lao động làm trung tâm mà công đoàn có thể sử dụng để giải quyết và ngăn chặn GBVH ở nơi làm việc:
Nâng cao nhận thức và thu thập thông tin về phạm vi và các vụ việc GBVH tại nơi làm việc.
Một trong những bước hiệu quả nhất mà công đoàn có thể thực hiện để giải quyết GBVH là tiến hành nghiên cứu có người lao động tham gia, trong đó các thành viên tình nguyện từng chứng kiến hoặc trải qua GBVH sẽ phối hợp cùng đại diện công đoàn để phát triển một công cụ khảo sát bảo mật và tự nguyện nhằm thu thập thông tin từ đồng nghiệp về cách GBVH diễn ra tại nơi làm việc của họ. Việc người lao động cùng xây dựng các khảo sát là rất quan trọng để đảm bảo các câu hỏi phản ánh chính xác trải nghiệm của họ. Đặc biệt, người chọn tham gia hoàn thành khảo sát phải tự nguyện tham gia và được đảm bảo giữ kín danh tính của họ. Kết quả và dữ liệu từ các khảo sát là công cụ mạnh mẽ để vận động thay đổi văn hóa và cải thiện điều kiện làm việc an toàn hơn, vì chúng tiết lộ mức độ phổ biến của GBVH trong ngành nghề liên quan và xác định những khu vực cần tập trung nỗ lực để giảm thiểu vấn nạn này.
Ví dụ: Các thành viên nữ của UNITE HERE Local 1 đã thực hiện các cuộc phỏng vấn nghiên cứu có sự tham gia của 500 đồng nghiệp của họ làm việc tại các khách sạn và sòng bạc ở Chicago. Các câu hỏi trong khảo sát được chính các lao động nữ xây dựng. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm hiểu rõ hơn trải nghiệm của lao động nữ tại các khách sạn ở khu vực Chicago và lắng nghe ý kiến trực tiếp của người lao động về những gì có thể khiến họ cảm thấy an toàn hơn khi làm việc. Xuyên suốt những buổi phỏng vấn này, người lao động đã chia sẻ các ví dụ cụ thể về GBVH họ đã gặp phải tại các khách sạn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 58% lao động nữ ở khách sạn và 77% lao động nữ ở sòng bạc thực hiện khảo sát đã từng bị khách hàng quấy rối tình dục. Những kết quả này đã khiến ban lãnh đạo công đoàn nhận thức rõ hơn về mức độ phổ biến của hành vi lạm dụng và nhu cầu ưu tiên giải quyết GBVH trong các thỏa thuận thương lượng tập thể và luật pháp địa phương. Sau đó, UNITE HERE Local 1 đã phát động chiến dịch “Hands Off Pants On” (Không Đụng Chạm, Giữ Bình Tĩnh) nhằm vận động các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho người lao động tại khách sạn, dẫn đến việc thông qua một sắc lệnh tại Chicago yêu cầu trang bị cho nhân viên vệ sinh khách sạn nút báo động khi dọn phòng — một giải pháp do chính những người lao động đề xuất.
Thông qua một nghị quyết chính sách ủng hộ việc chấm dứt GBVH tại nơi làm việc trong hội nghị của công đoàn.
Các công đoàn thường thông qua các nghị quyết chính sách tại hội nghị của họ để giải quyết các vấn đề ưu tiên mà thành viên đã xác định. Việc thông qua các nghị quyết tập trung vào việc giải quyết vấn đề GBVH có thể đặt nền tảng cho các hành động có mục tiêu và ấn định công đoàn chịu trách nhiệm hoàn thành các hành động đó.
Ví dụ: Vào tháng 6 năm 2022, tại Hội Nghị Quốc Tế của mình, AFL-CIO đã thông qua Nghị Quyết 8 về việc thúc đẩy công bằng giới. Nghị quyết này đã đề ra cam kết của công đoàn về việc “đấu tranh chống quấy rối và bạo lực giới tại nơi làm việc” cũng như thúc đẩy việc thực hiện Công Ước 190 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), tiêu chuẩn toàn cầu đầu tiên nhằm chấm dứt bạo lực và quấy rối trong môi trường làm việc. Nghị quyết cũng đề cập đến Kế Hoạch Quốc Gia của Hoa Kỳ nhằm Chấm Dứt Bạo Lực Giới và cam kết rằng AFL-CIO sẽ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Đàm phán các thỏa ước lao động tập thể và điều khoản hợp đồng bao gồm các biện pháp bảo vệ khỏi GBVH.
Một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà công đoàn sở hữu là quyền đàm phán tập thể, qua đó họ có thể đưa các biện pháp bảo vệ và nguồn lực cụ thể, bền vững cho người lao động vào hợp đồng. Việc đưa các biện pháp bảo vệ và can thiệp để giải quyết GBVH vào hợp đồng là một chiến lược quan trọng mà công đoàn có thể sử dụng để đảm bảo các thành viên công đoàn được làm việc trong môi trường an toàn và công bằng.
Ví dụ: UNITE HERE gần đây đã thành công trong việc đàm phán với các chủ lao động dịch vụ thực phẩm tại cơ sở. Công đoàn đã giành được các điều khoản mạnh mẽ hơn về quấy rối tình dục, bảo vệ người lao động khỏi bạo lực từ đối tác thân thiết, và quyền của người lao động chuyển giới và phi nhị nguyên giới trong các hợp đồng với ba nhà tuyển dụng dịch vụ thực phẩm lớn nhất tại Hoa Kỳ: Sodexo, Compass Group và Aramark. Các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn này đã được đưa vào các thỏa thuận bao gồm hơn 50,000 người lao động.
Năm 2018, tổ chức Women of Steel (Phụ Nữ Thép) thuộc Hiệp Hội Công Nhân Thép (United Steelworkers, USW) đã đưa ra lời kêu gọi hành động với nhiều cách thức để công đoàn có thể giải quyết vấn đề GBVH tại nơi làm việc. Các biện pháp này bao gồm việc ưu tiên thương lượng các điều khoản hợp đồng mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết bạo lực và quấy rối, chẳng hạn như quyền nghỉ phép cho các thành viên đang gặp phải bạo lực gia đình. Vào năm 2023, USW báo cáo rằng các ủy ban đàm phán của họ đã thành công trong việc đưa các điều khoản về quyền nghỉ phép vì bạo lực gia đình vào các hợp đồng gần đây, bao gồm hàng nghìn thành viên thuộc các ngành công nghiệp lớn như thép, giấy, lốp xe và cao su, chăm sóc sức khỏe và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, các thành viên của USW đã đấu tranh để đảm bảo các điều khoản nghỉ phép vì bạo lực gia đình trong các hợp đồng của công đoàn với hai nhà sản xuất thép lớn tại Hoa Kỳ.
Tổ chức các buổi đào tạo trực tiếp, thường xuyên cho lãnh đạo và thành viên.
Đào tạo về GBVH tại nơi làm việc có thể giúp thay đổi văn hóa của một tổ chức. Các loại hình đào tạo có hiệu quả là trực tiếp, có thông tin về sang chấn, lấy người lao động làm trung tâm và có người lao động tham gia xây dựng. Những buổi đào tạo này diễn ra ít nhất một lần mỗi năm dành cho tất cả nhân viên và nên được thực hiện bởi những giảng viên có kinh nghiệm, có chuyên môn trong việc giải quyết các vấn đề GBVH và tạo ra không gian hỗ trợ tập trung vào nạn nhân sống sót có thông tin về sang chấn. Công đoàn cũng có thể thúc đẩy việc tổ chức các chương trình đào tạo toàn diện, phổ biến trên nhiều ngành nghề thông qua các hành động lập pháp.
Ví dụ: California đã thông qua Đạo Luật Trao Quyền Cho Nạn Nhân Sống Sót Là Nhân Viên Vệ Sinh (Janitor Survivor Empowerment Act, AB 547) vào năm 2019, yêu cầu tất cả nhân viên vệ sinh tại California phải tham gia đào tạo phòng chống bạo lực tình dục. Những buổi đào tạo này được dẫn dắt bởi các nhân viên vệ sinh đồng nghiệp, những người đã được chứng nhận làm giảng viên và tư vấn viên. Việc để nhân viên đồng nghiệp thực hiện đào tạo là cách hiệu quả để đảm bảo trải nghiệm của người lao động được đặt làm trọng tâm và xây dựng niềm tin của người lao động. Luật này là kết quả trực tiếp của nhiều năm vận động từ những người lao động trong ngành cùng với công đoàn của họ, SEIU United Service Workers West, nhằm đưa vào luật các biện pháp bảo vệ chống lại GBVH cho tất cả người lao động trong lĩnh vực vệ sinh tại California. Nhiều người lao động trong số họ hiện đang lãnh đạo Trung Tâm Ya Basta! và là giảng viên đồng đẳng cho các chương trình đào tạo bắt buộc về phòng chống bạo lực và quấy rối tình dục.
Kate Miceli và Amy Dalrymple là các nhà Phân Tích Chính Sách tại Cục Phụ Nữ thuộc Bộ Lao Động Hoa Kỳ.