Hợp tác quản lý lao động tại Đức

Một số người đang đi qua một nhà máy ô tô. Một biển hiệu ở Đức ghi “Nhà máy Mercedes-Benz Bremen, chào mừng đến các bạn đến với buổi tiệc nhân viên”.
Một nhà máy sản xuất xe khách Mercedes-Benz tại Bremen, Đức. 

Trong cuộc bỏ phiếu có kết quả cạnh tranh sít sao vào tháng 5 năm 2024, khoảng 5,000 người lao động tại một nhà máy Mercedes-Benz ở Tuscaloosa, Alabama, đã bỏ phiếu phản đối việc công nhận Liên Đoàn Người Lao Động Ngành Ô Tô Hoa Kỳ (UAW) làm đại diện thương lượng của họ. Thất bại sít sao của UAW diễn ra sau chiến thắng gần đây của họ trong cuộc bỏ phiếu công nhận tại một nhà máy Volkswagen ở Chattanooga, Tennessee. 

Ngay sau thất bại, UAW đã nộp đơn khiếu nại lên Hội Đồng Quan Hệ Lao Động Quốc Gia cáo buộc Mercedes đã có các vi phạm lao động không công bằng trước cuộc bỏ phiếu. UAW cũng có động thái chưa từng có là nộp đơn khiếu nại tại Đức cáo buộc vi phạm Đạo Luật của Đức về Nghĩa Vụ Thẩm Định Chuỗi Cung Ứng của Các Công Ty. Luật này yêu cầu các công ty Đức phải tuân thủ 11 tiêu chuẩn nhân quyền được công nhận quốc tế, bao gồm quyền tự do hiệp hội, khi thuê ngoài sản xuất ở nước ngoài. Nếu bị kết luận có vi phạm, Mercedes có thể phải chịu các khoản phạt tiền đáng kể. Đơn khiếu nại này đã khiến chính phủ Đức mở cuộc điều tra về cách Mercedes xử lý cuộc bỏ phiếu công nhận, đồng thời thu hút sự chú ý của chính quyền Hoa Kỳ hiện tại..

Mercedes đã tích cực vận động chống lại UAW trước cuộc bỏ phiếu công nhận tại nhà máy của họ ở Alabama. Các báo cáo gửi lên Văn Phòng Tiêu Chuẩn Quản Lý Lao Động thuộc Bộ Lao Động cho thấy Mercedes đã trực tiếp thuê ít nhất ba công ty tư vấn lao động bên ngoài (bao gồm Road Warrior Productions, BJC & AssociatesEmployer Labor Solutions). Sau đó những công ty này đã điều động thêm nhiều chuyên gia tư vấn từ khắp nơi trên toàn quốc nhằm ngăn chặn nỗ lực của UAW. Chúng ta sẽ không biết được Mercedes đã chi bao nhiêu cho những nỗ lực này cho đến khi họ và các chuyên gia tư vấn của họ nộp báo cáo hàng năm, 90 ngày sau khi kết thúc năm tài chính tương ứng.

Trái ngược với hành động ở Alabama, Mercedes thường xuyên công nhận và hợp tác với các đối tác của UAW tại Đức, giống như hầu hết các tập đoàn lớn khác của Đức. Các công đoàn thương mại ở Đức đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành nền kinh tế và xã hội. Liên đoàn lao động chính ở Đức là Liên Đoàn Công Đoàn Đức (Deutscher Gewerkschaftsbund, hay DGB), một tổ chức lao động bao gồm tám công đoàn riêng biệt, đại diện cho 5.7 triệu người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Luật Đức không chỉ bảo vệ quyền tự do hiệp hội cho người lao động Đức mà còn yêu cầu các công ty có từ 2,000 nhân viên trở lên cho phép nhân viên của họ bầu chọn tới một nửa số thành viên trong hội đồng giám sát của công ty, trao cho người lao động vai trò quan trọng trong việc điều hành các công ty này

Mặc dù thương lượng tập thể ở Đức có thể diễn ra giữa một công đoàn và một hãng/sở ở Đức, nhưng thường được thực hiện giữa các công đoàn lớn và các hiệp hội hãng/sở, nhằm đạt được thỏa thuận áp dụng cho toàn bộ các ngành công nghiệp trong một khu vực. Mức lương, thời gian nghỉ phép, phúc lợi và điều kiện làm việc thường được đàm phán theo ngành nghề và khu vực tại Đức, nên nhân viên làm việc trong cùng một ngành ở một khu vực nhất định thường nhận được mức lương và phúc lợi tương đương nhau. 

Quan hệ lao động tại nơi làm việc thường do “hội đồng lao động” quản lý, gồm những nhân viên được bầu chọn bởi chính đội ngũ nhân viên trong công ty. Theo luật Đức, các hãng/sở có hơn năm nhân viên bắt buộc phải có hội đồng lao động khi có yêu cầu từ nhân viên và được công nhận thông qua một cuộc bỏ phiếu. Hội đồng lao động có quyền hạn rất lớn, từ đảm bảo luật lao động được thực thi, bảo vệ quyền dành cho người lao động, tuyển dụng nhân viên mới, chấm dứt hợp đồng đúng quy trình, đến việc quyết định cách bố trí văn phòng. Số lượng thành viên trong hội đồng tỷ lệ thuận với số lượng nhân viên của công ty. Hội đồng lao động không nhất thiết phải bao gồm thành viên công đoàn, và thậm chí các hãng/sở không có nhân viên thuộc công đoàn cũng thường có hội đồng lao động.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những cách tiếp cận đại diện người lao động khác nhau này đã dẫn đến kết quả khác nhau cho người lao động. Mặc dù tỷ lệ thành viên công đoàn ở Đức đã giảm dần, nhưng vẫn vượt xa tỷ lệ thành viên công đoàn ở Mỹ. Bốn mươi ba phần trăm người lao động Đức làm việc theo các thỏa thuận thương lượng tập thể so với khoảng 10% ở Hoa Kỳ. Nhờ vai trò quan trọng của phong trào lao động Đức trong nền kinh tế, người lao động Đức trong tất cả các ngành công nghiệp (dù có được đại diện bởi công đoàn hay không) đều có quyền nghỉ phép có lương 20 ngày mỗi năm; ít nhất 6 tuần nghỉ ốm có lương, nghỉ thai sản và nuôi con; cùng với hệ thống hưu trí đóng góp, bên cạnh hệ thống tương đương với An Ninh Xã Hội của Đức.  Mặc dù những phúc lợi này thường có sẵn cho người lao động Mỹ thuộc các công đoàn, nhưng chúng không phải là tiêu chuẩn chung trong toàn bộ nền kinh tế.

Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét vai trò của các công đoàn ở những nơi khác trên thế giới.

 

J. Matthew McCracken, một luật sư bào chữa cấp cao tại Văn Phòng Luật Sư của Bộ, hiện đang phục vụ tại Văn Phòng Tiêu Chuẩn Quản Lý Lao Động.