Quan Hệ Lao Động và Sự Thật về Điều 504

Hình ảnh cán cân công lý trên bàn trong một căn phòng xử án.

 

Trong môi trường quan hệ lao động, đa phần mọi người đều biết đến vai trò của Văn Phòng Tiêu Chuẩn Quản Lý- Lao Động trong việc thực thi Đạo Luật Công Bố và Báo Cáo Quản Lý-Lao Động, và xúc tiến nhiệm vụ thúc đẩy tính dân chủ, tính minh bạch và liêm chính về mặt tài chính trong công đoàn. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ Điều 504, một phần quan trọng của đạo luật được thiết kế nhằm xúc tiến các mục tiêu đó thông qua loại bỏ những người từng bị kết án vì một số tội danh nhất định khỏi môi trường quan hệ lao động. 

Điều 504 cấm mọi cá nhân từng bị kết án vì các tội danh được mô tả trong điều này giữ bất cứ vị trí nào chịu trách nhiệm trong môi trường quan hệ lao động trong vòng 13 năm kể từ ngày bị kết án hoặc kể từ ngày mãn hạn tù, tùy vào thời điểm nào đến sau. Dưới đây là một số ngộ nhận phổ biến và sự thật về Điều 504. 

Hiểu Lầm #1: Điều 504 chỉ áp dụng cho các công đoàn cùng cán bộ và nhân viên công đoàn.

Sự Thật: Điều 504 không chỉ giới hạn cho các công đoàn cùng cán bộ và nhân viên công đoàn. Điều này cấm mọi cá nhân bị kết án vì một tội danh được mô tả trong quy chế nắm giữ bất cứ chức vụ nào trong lĩnh vực quan hệ lao động; có nghĩa là điều này được áp dụng bình đẳng cho các cán bộ, nhân viên công đoàn, và đại diện của chủ lao động tham gia vào công việc quan hệ lao động, cũng như các công đoàn và chủ lao động tuyển dụng họ.

Hiểu Lầm #2: Điều 504 chỉ áp dụng cho những cá nhân bị kết án khi đang nắm giữ một chức vụ trong công đoàn hoặc trong ban quản lý lao động với tư cách chủ lao động hoặc cố vấn. 

Sự Thật: Điều 504 không giới hạn ở các tội danh gây ra trong quá trình làm việc trong công đoàn hoặc ở vị trí chủ lao động/cố vấn. Bất cứ cá nhân nào bị kết án vì một trong số các tội danh theo quy chế - bất kể họ làm việc ở đâu vào thời điểm đó - sẽ tự động bị cấm đảm nhiệm các vị trí được liệt kê. Nếu cá nhân đó đang đảm nhiệm một vị trí như vậy vào thời điểm bị kết án, họ phải bị cách chức. Tuy nhiên, kể cả khi không đảm nhiệm một vị trí như vậy, ngay lập tức họ sẽ tự động bị cấm đảm nhận vị trí tương tự trong tương lai trong thời hạn cấm. 

Để tăng tính răn đe, trong những trường hợp này, Điều 504 quy định rõ không chỉ mỗi cá nhân đã bị kết án bị cấm đảm nhiệm một trong số những vị trí này, mà bất cứ ai “cố ý thuê, giữ lại, tuyển dụng hoặc giao cho bất cứ cá nhân nào khác đảm nhận bất cứ cương vị nào trong phạm vi vi phạm” điều 504 đều bị coi là phạm tội nghiêm trọng.

Hiểu Lầm #3: OLMS quyết định tội danh bị kết án có phải là một tội danh thuộc phạm vi cấm không.

Sự Thật: OLMS là cơ quan chịu trách nhiệm tư vấn cho tòa án về việc liệu luật cấm có áp dụng cho một bản án cụ thể hay không, nhưng theo thông lệ chung, chúng tôi đưa ra quyết định cho vấn đề này dựa trên quan điểm của Bộ Tư Pháp (Department of Justice, DOJ). Dù không phải trường hợp nào chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của DOJ, vì đã có sẵn kho lưu trữ kinh nghiệm liên quan đến các quan điểm của DOJ về vô số tội danh khác nhau, nhưng trong những trường hợp mà OLMS không có kinh nghiệm xử lý trước đó và cũng không có đáp án hiển nhiên, chúng tôi sẽ tham khảo và quyết định dựa trên ý kiến của DOJ.

Hiểu Lầm #4: OLMS luôn chống lại nỗ lực gỡ lệnh cấm của những người bị cấm.

Sự Thật: Điều 504 cho phép tòa án tiểu bang hoặc liên bang đã đưa ra bản án giảm thời hạn cấm tự động từ 13 năm xuống một khoảng thời gian ngắn hơn (nhưng không ít hơn ba năm sau khi bị kết án không đủ tư cách, hoặc thời hạn ngồi tù theo bản án, tùy vào thời điểm nào đến sau) theo yêu cầu của người bị cấm. Tòa án nhận xem xét yêu cầu đó phải thông báo cho bộ trưởng lao động và uỷ viên công tố của tiểu bang hoặc liên bang. Khi OLMS nhận được thông báo, chúng tôi tiến hành điều tra độc lập và kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các tình tiết cụ thể của từng trường hợp – sau đó đưa ra khuyến nghị cho tòa án về việc có nên dỡ bỏ lệnh cấm hay không. 

Một phần quan trọng trong quyết định của chúng tôi là đánh giá xem liệu người nộp đơn yêu cầu đã được "giáo dục cải tạo" hay chưa, và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với tính liêm chính của quy trình quản lý lao động hay không. Tòa án có thể – nhưng không bắt buộc phải – chấp nhận các yêu cầu này. Đôi khi người bị cấm yêu cầu được giảm thời hạn cấm nói chung. Đôi khi họ yêu cầu được gỡ bỏ lệnh cấm để được đảm nhiệm một chức vụ nhất định. Trong vòng 10 năm qua, OLMS đã chỉ bác bỏ yêu cầu được gỡ bỏ lệnh cấm đối với khoảng 50% các trường hợp.

Về cơ bản, Điều 504 giúp bảo vệ tính liêm chính của quy trình quan hệ quản lý-lao động. OLMS gần đây đã cập nhật Tờ Thông Tin về Điều 504. Hãy tìm hiểu thêm về LMRDA (quy trình quan hệ quản lý-lao động), cũng như các điều luật và quy định khác mà chúng tôi thực thi, quý vị có thể tìm các nguồn lực hỗ trợ tuân thủ các điều luật, tra các báo cáo quản lý-lao động, v.v. tại dol.gov/agencies/olms. 

 

Jeffrey Freund là giám đốc Văn Phòng Tiêu Chuẩn Quản Lý-Lao Động của Bộ Lao Động.