Hướng tới nền kinh tế toàn cầu xanh vì người lao động

Hai phụ nữ đội nón rơm, nhìn từ phía sau khi đang làm việc trên đồng ruộng với những cây lúa xanh cao.
Các nữ nông dân trên cánh đồng ở Nepal.

Hãy thử tưởng tượng về một nữ nông dân trồng lúa và con của cô ấy ở Nepal. Hãy tưởng tượng vùng đất của họ không thể canh tác được nữa vì lũ lụt, gió mùa, lở đất và hệ sinh thái thay đổi nhanh chóng tàn phá mùa màng. Người nông dân đó và con của cô ấy có thể phải bắt đầu di cư theo mùa đến gần các lò gạch, nơi ước tính có khoảng 34,000 trẻ em đang sống. Hơn một nửa số trẻ em đó phải làm việc trong các lò gạch, hy sinh tuổi thơ và đánh đổi sự an toàn của mình để giúp gia đình tồn tại.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những gì đang xảy ra trên khắp thế giới. Trên thực tế, hơn nửa tỷ trẻ em đang sống ở các khu vực có mực nước lũ cực kỳ cao và hơn 150 triệu trẻ em sống ở các khu vực hạn hán nghiêm trọng. Trong cả hai trường hợp, các gia đình thường buộc phải nhận những công việc lương thấp để trang trải cuộc sống, khi đó các chủ lao động đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của họ.

Cục Lao Động Quốc Tế thuộc Bộ Lao Động đang nỗ lực để củng cố quyền lao động trên toàn cầu và chống lại các vi phạm nghiêm trọng như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và buôn người. Điều đó ngày càng có nghĩa là cần phải hiểu các mối liên kết mới nổi giữa khí hậu và quyền lao động.

Tuy nhiên, người lao động thường không được quan tâm đến trong cả hoạch định chính sách về khí hậu của quốc gia và các mô hình trách nhiệm xã hội “xanh” của doanh nghiệp. Các công ty năng lượng sạch, dù là trong ngành sản xuất ô tô hay lĩnh vực điện thoại thông minh, có thể quảng cáo những nỗ lực phát triển bền vững của họ nhưng thực tế người lao động lại bị loại khỏi quy trình đưa ra quyết định. Điều này có thể khiến toàn bộ nhóm này bị bỏ lại phía sau và không đảm bảo sự tham gia của những người lao động và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hiện có một cơ hội rất lớn - và cũng là một trách nhiệm cấp bách - để các công ty vượt qua các mô hình tuân thủ xã hội chỉ mang tính hình thức từ góc nhìn quan hệ công chúng, thay vào đó hướng tới đảm bảo người lao động có tiếng nói trong bàn đàm phán. Bất cứ khi nào có thể, các công ty có thể tham gia các thỏa thuận ràng buộc và thực thi giữa người mua, nhà cung cấp và các thương hiệu lớn, bao gồm cả các công ty và tổ chức do người lao động lãnh đạo, chẳng hạn như các công đoàn lao động. Công cụ Comply Chain của ILAB giúp các công ty trao quyền cho người lao động đóng vai trò trung tâm trong việc xác định và giải quyết các vi phạm về quyền lao động và các quan ngại khác tại nơi làm việc. 

Ở khía cạnh các khoản đầu tư của Chính Phủ vào năng lượng tái tạo, việc “chuyển đổi công bằng” tập trung vào người lao động có nghĩa là tạo ra việc làm tốt trong môi trường làm việc an toàn, tôn trọng quyền của người lao động. Ngoài ra, cũng cần có chính sách an sinh xã hội bền vững cho những người lao động bị di dời hoặc mất việc làm. 

Trong tất cả các cuộc thảo luận này, người lao động và các tổ chức của họ cần được tham gia ngay từ đầu. Bởi vì khi người lao động có tiếng nói, họ có thể lên tiếng chống lại tình trạng bóc lột sức lao động và thương lượng để có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Người lao động được trao quyền và được trả lương công bằng có thể chăm lo cho gia đình. Họ không phải trải qua nỗi đau đớn khi phải cho con cái đi làm để kiếm sống. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các gia đình mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế vững chắc và thịnh vượng lâu dài. 

Tại Bộ Lao Động, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các chính sách về khí hậu vì lợi ích của các gia đình lao động trên toàn thế giới. Ví dụ, chúng tôi đang hợp tác với World Education, một tổ chức phi chính phủ địa phương tại Nepal, trong dự án trị giá 4 triệu đô la Mỹ để hiểu rõ hơn về những tác động của biến đổi khí hậu ở nước này đối với nguy cơ bóc lột sức lao động của trẻ em và lao động cưỡng bức. Tháng 6 tới, nhân Ngày Thế Giới Chống Lao Động Trẻ Em, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi thảo luận về chuyển đổi công bằng và cộng đồng quốc tế..

Các chính sách về khí hậu tập trung vào người lao động có thể không trực tiếp làm giảm nhiệt độ trái đất hay ngăn chặn bão lũ. Tuy nhiên, các chính sách này sẽ giúp xây dựng các cộng đồng kiên cường hỗ trợ các gia đình lao động bảo vệ trẻ em khỏi bị bóc lột và xây dựng một tương lai năng lượng sạch bền vững cho tất cả mọi người.

Một cậu bé mang tấm ván gỗ tại một công trường xây dựng.

 

Thea Lee là phó thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế tại Bộ Lao Động Hoa Kỳ. Theo dõi ILAB trên X/Twitter tại @ILAB_DOLtrên LinkedIn.